Phân tích mới nhất từ Cushman & Wakefield cho thấy, Singapore, Hong Kong và Thượng Hải vẫn tiếp tục là 3 thị trường dẫn đầu về sức hút đối với các công ty đa quốc gia và được lựa chọn là nơi đặt văn phòng đại diện nhiều nhất khu vực Châu Á.
Thứ tự xếp hạng cụ thể là Singapore và Hồng Kong lần lượt giữ vị trí số 1 và số 2, Thượng Hải đứng ở vị tri thứ 3. Singapore dẫn đầu nhờ các yếu tố như chi phí thấp hơn, môi trường kinh doanh lý tưởng và vị trí đắc địa trong khu vực, bên cạnh đó hệ thống pháp lý thuận lợi cũng giúp Singapore thu hút các công ty đa quốc gia. Singapore được đánh giá là có hiệu năng khai thác hiệu quả nhất. Một số tập đoàn lớn chuyển văn phòng đại diện khu vực sang Singapore là Microsoft, LinkedIn, Cisco Systems, HubSpot, Twitter, Vodafone, Pfizer, Merck and Co., Royal Philips… Hồng Kong là thị trường đứng sau Singapore vì chi phí sinh sống tại Hồng Kong cao hơn và đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thành phố cấp 1 của Trung Quốc. Hơn nữa, Hồng Kong thường xuyên lọt vào top các Thành phố có chi phí thuê văn phòng vào dạng gần như đắt nhất thế giới, chỉ sau Luân Đôn và New York. Nếu tính giá thuê trên một m2 thì Hong Kong đang đắt gấp hai lần Thượng Hải và Singapore, còn nều tính về hiệu năng khai thác mặt bằng thì sự khác biệt càng xa hơn, hiệu năng khai thác mặt bằng tại Hong Kong kém nhất trong 3 địa điểm.
Các công ty đa quốc gia luôn ưu tiên đặt văn phòng đại diện tại Singapore. Ảnh minh họa
Tiến sĩ Dominic Brown, Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu của Cushman & Wakefield Úc và New Zealand đồng thời cũng là tác giả của bản báo cáo này cho biết: “Hiện tại GDP của Châu Á Thái Bình Dương so với tổng GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 31% (năm 2015) lên 36% (năm 2030). Trong xu thế toàn cầu hóa và tối ưu hóa lợi nhuận, các công ty đa quốc gia vẫn không ngừng tìm kiếm các địa điểm gần với thị trường tăng trưởng chiến lược, do đó con số các văn phòng đại diện đặt tại khu vực Châu Á được dự báo là ngày càng tăng. Sự tăng trưởng kinh tế tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy sự hiện diện của các công ty đa quốc gia tại khu vực này. Sự tăng trưởng này là kết quả của số lượng tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng trong khu vực, sự phát triển của các ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông (TMT) cũng như bản thân sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khối ASEAN”.
Singapore trở thành điểm đến thu hút nhất tại Châu Á- Thái Bình Dương đối với các Công ty đa quốc gia muốn mở văn phòng đại diện tại khu vực này, nhưng sự cạnh tranh để trở thành lựa chọn số 1 này đang ngày càng diễn ra khốc liệt. Châu Á Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực chiến lược cho các Công ty đa quốc gia và điều này giúp thúc đẩy nhu cầu mặt bằng văn phòng. Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải với nhiều ưu điểm vẫn dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, không có nơi nào có thể thỏa mãn tất cả mọi điều kiện, nhất là với những công ty có kinh doanh đa ngành và có nhiều yêu cầu khác nhau. Do đó, nhiều văn phòng đại diện quy mô nhỏ được thành lập trên khắp khu vực để tận dụng những ưu điểm của từng thành phố vì điều này sẽ hỗ trợ sự phát triển của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các công ty nên tìm hiểu kỹ các yếu tố về chính trị, kinh tế, nhân khẩu học và tình hình bất động sản của từng địa điểm để tối ưu hóa mọi cơ hội có thể mang đến.
Để đảm bảo tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng mở rộng sự lựa chọn. Ông David Jones, Giám Đốc Bộ phận Hỗ trợ và giải pháp cho Khách hàng Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Các công ty có thể giảm chi phí thuê bằng cách tăng hiệu quả khai thác mặt bằng cũng như chuyển sang những khu vực ngoài trung tâm vì khu trung tâm hiện quá đắt đỏ và mặt bằng trống hạn chế. Đối với những công ty không cần thiết phải ở trong khu trung tâm thì các khu công nghiệp đặc thù sẽ rất thích hợp vì cung cấp nhiều chọn lựa vể diện tích, giá rẻ hơn và tiềm năng phát triển thành giải pháp văn phòng riêng biệt. Thêm nữa, hình thức văn phòng đại diện cũng đang thay đổi và bắt nhịp với sự phát triển kinh tế trong khu vực. Để nhận diện sự đa dạng của nền kinh tế khu vực, rất nhiều công ty hiện nay đang thay đổi mô hình “một cho tất cả” thành “đa dạng hóa”. Chiến lược đa dạng hóa chính là việc tăng sự hiện diện trên những thị trường chính của khu vực hoặc chuyển tới các đơn vị kinh doanh cá thể tại các thị trường liên quan nhất.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)