(SKCĐ)- Rubella là bệnh truyền nhiễm, do vi-rút rubella gây nên. Dù bệnh lây nhiễm không nguy cấp nhưng lại có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh ở bào thai nên cần phòng tránh căn bệnh này.
Bệnh Rubella (hay còn gọi là ru-bê-on, bệnh sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm, do vi-rút rubella gây nên.
Bệnh lưu hành trên toàn thế giới, thường xuất hiện vào mùa đông xuân, có thể xảy ra thành dịch. Tuy bệnh Rubella là một bệnh lây nhiễm không nguy cấp (không gây nên biến chứng nguy hiểm, không gây chết người như bệnh sởi), nhưng bệnh lại có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh ở bào thai từ khi còn trong bụng mẹ.
Chăm sóc bệnh nhân Rubella
Theo nghiên cứu của bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, bệnh Rubella là một bệnh lành tính, không có biến chứng nguy hiểm nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng:
– Cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây.
– Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%o.
– Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau.
– Đối với trẻ nhỏ cần giặt khăn bằng nước ấm lau mình mẩy hàng ngày cho bé.
Ngăn ngừa, phòng tránh bệnh Rubella
Hội chứng Rubella bẩm sinh và bệnh Rubella có thể được ngăn ngừa.
– Thử máu TRƯỚC MỖI LẦN mang thai
Đây là điều quan trọng nhất để kiểm tra xem phụ nữ đã có đủ sức miễn nhiễm với bệnh Rubella hay không. Nếu khả năng miễn nhiễm thấp hoặc không có thì nên tiêm ngừa lại MMR hay Rubella. Sau đó từ 6-8 tuần nên thử máu lại để chắn chắn thuốc tiêm ngừa đã đủ khả năng ngăn ngừa bệnh.
– Tiêm ngừa Rubella TRƯỚC KHI có thai
– Nên tránh mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm ngừa
– Không nên tiêm ngừa cho những bà mẹ đang mang thai cho đến SAU KHI họ sinh con.
– Nên tiêm ngừa cho tất cả trẻ em và phụ nữ không miễn nhiễm bệnh để tránh truyền bệnh cho cộng đồng.
– Phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho người khác.
Cách ly với người nhiễm bệnh Rubella
– Nên cách ly từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban (trẻ em nên nghỉ học, người lớn nên nghỉ làm).
– Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.
– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh (khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa, chăn, gối, màn…).
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
– Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi… của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
Tiêm chủng vắc xin
Vắc xin phòng bệnh Rubella thông dụng hiện nay là loại vắc-xin MMR (Measle, Mumps, Rubella) phòng ngừa cho cả 3 bệnh Sởi, Quai bị, Rubella.
Vắc xin phòng bệnh Rubella rất ít khi có tác dụng phụ. Thống kê cho thấy khoảng 15% trường hợp bị sốt vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 12 sau khi tiêm vắc-xin, khoảng 5% trường hợp xuất hiện ban đỏ nhẹ, dưới 1 phần triệu trường hợp có phản ứng dị ứng nặng.
Trong cuộc trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, TS.BS Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng TP.HCM cho biết, chỉ cần làm việc vừa sức, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, môi trường sạch sẽ. Hiện nay, tại tất cả đội y tế dự phòng trên địa bàn thành phố đều có chích ngừa Rubella. Đây là một loại vắc xin kết hợp với ngừa sởi và quai bị. Giá mỗi lần tiêm chỉ khoảng trên 100.000 đồng.
Cũng theo ông Hải, để khống chế bệnh Rubella, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã kết hợp cùng y tế địa phương thực hiện phun thuốc sát khuẩn cho những công ty có công nhân mắc bệnh, đồng thời khuyến cáo lãnh đạo công ty thực hiện các biện pháp tránh lây lan bằng việc cho số công nhân mắc bệnh nghỉ 5-7 ngày. Tại trường học cũng cho các học sinh mắc bệnh nghỉ học để cách ly bệnh tốt nhất.
Nguyễn Quyên