Trong khi nhiều hộ chăn nuôi đang điêu đứng do gà ngoại giá rẻ thâm nhập thị trường, thì chị Cao Thị Ten thuộc Hợp tác xã Phú Ngọc, huyện Đình Quán, tỉnh Đồng Nai lại sống khỏe với đàn gà hơn 40.000 con. Gia đình chị Ten tiêu biểu trong chăn nuôi gia cầm qua việc phát triển thành công mô hình nuôi gà bằng thảo mộc. Chị cho biết, mỗi ngày, chị bán khoảng 250-350 con gà với doanh thu ước tính từ 26-37 triệu đồng.
Tín hiệu tích cực
“Với sự tận tâm và kinh nghiệm nuôi gà bằng thảo mộc, đối tác của chúng tôi đang phát triển mô hình nuôi đàn gà này rất tốt”, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn San Hà (SanHaFoods), cho biết. Hiện SanHaFoods đang phối hợp với Hợp tác xã Phú Ngọc ở Định Quán, Đồng Nai phát triển đàn gà thảo mộc hơn 100.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP. Khác với gà công nghiệp, gà ta thảo dược được nuôi trong môi trường rộng rãi nhằm tạo điều kiện cho gà vận động để giảm mỡ và giúp cho thịt săn chắc. Đặc biệt, khẩu phần ăn được chuẩn bị theo công thức riêng, bên cạnh các thành phần cơ bản như gạo, bắp, cám, còn có các loại thảo dược khác nhau, trong đó có một loại dược liệu được nhập từ Đài Loan giúp tăng khả năng miễn dịch nhằm thay thế cho việc sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc tăng trọng, mặt khác giúp thịt gà có được hương vị độc đáo của thảo dược.
Gà thảo mộc đang nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường. Mỗi tháng, doanh nghiệp cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 gà, dịp cao điểm như Tết có thể còn cao hơn. Với mức giá khoảng 120.000/kg hiện nay, doanh thu của riêng dòng sản phẩm này có thể lên đến hơn 4,5 tỉ đồng mỗi tháng. Với biên lợi nhuận ròng của ngành chế biến hiện nằm ở mức từ 12-15%, ước tính lợi nhuận của dòng sản phẩm này có thể từ 500-700 triệu đồng mỗi tháng. Được biết, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng từng có ý định phát triển gà thảo dược, nhưng trong quá trình thực hiện, các nông hộ đã không tuân thủ đúng quy trình do Công ty đề ra nên dự án đã bị dừng lại. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để phát triển đàn gà chất lượng cao này.
Trước hết, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính để bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay từ những ngày đầu để họ yên tâm phát triển. Doanh nghiệp cũng cần phải tìm được người nuôi có tâm và kinh nghiệm trong việc nuôi gà, vì chỉ cần nuôi sai quy trình là mất giá trị của đàn gà. Việc tìm được vùng nuôi với quy mô đủ lớn để cung cấp cho nhà máy chế biến cũng không dễ dàng, nhất là khi quy mô chăn nuôi chủ yếu của nông hộ Việt Nam là nhỏ lẻ. Doanh nghiệp phải đứng ra thành lập hợp tác xã, đồng thời hướng dẫn bà con chăn nuôi theo quy trình. Chưa kể đến việc doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để quảng bá sản phẩm hoặc bán giá ưu đãi để thu hút người tiêu dùng. Do vậy, hiện nay, SanHaFoods là doanh nghiệp hiếm hoi thành công trong việc phát triển vùng nuôi và phân phối sản phẩm gà thảo mộc đến người tiêu dùng.
Mô hình liên kết mới
Trên thực tế, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã không mới, nhưng số doanh nghiệp thành công không nhiều. Điển hình thành công khác có thể nói đến là gà ta Gò Công. Giống này được kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công, lai tạo. Ông Kiệt cho biết, Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với SanHaFoods nên các nông hộ chăn nuôi với quy mô đàn từ 1.000 con trở lên có thể thu lãi khoảng 20 triệu đồng cho mỗi vụ. Liên tiếp trong các năm từ năm 2012-2014, lợi nhuận của Hợp tác xã tăng liên tục từ 1,3 tỉ đồng lên 2,9 tỉ đồng và 4,5 tỉ đồng. Hiện nay, những mô hình liên kết hợp tác xã như Gò Công đang cung ứng từ 60-70% nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy của SanHaFoods.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhu cầu tiêu thụ thịt tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng mạnh. Theo ước tính, đến năm 2019, mức tiêu thụ thịt có thể sẽ lên đến hơn 4 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu về thịt gia cầm và thịt bò được dự báo sẽ tăng đến 3-5% mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn cung chỉ tăng 1-3% cho mỗi năm. Bên cạnh đó, về cơ cấu nguồn cung, trong khi thịt heo được dự báo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa thì thịt gia cầm và thịt bò có thể sẽ thiếu hụt trầm trọng do thiếu diện tích chăn nuôi, đầu tư tư nhân còn hạn chế và mô hình chăn nuôi còn nhỏ lẻ.
“Do vậy, bên cạnh việc ổn định vùng nguyên liệu, việc đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm tăng sản lượng cung ứng ra thị trường là cần thiết”, bà Hà nhận định. Hiện nay, bên cạnh 3 nhà máy giết mổ gia cầm tại Long An, Đồng Nai và TP.HCM với sản lượng cung ứng cho thị trường lên đến hơn 60 tấn mỗi ngày, SanHaFoods còn đang tiếp tục đầu tư một nhà máy chế biến khác tại Long An với thiết bị và dây chuyền chế biến hiện đại với công suất chế biến dự kiến lên đến 50.000-70.000 con mỗi ngày.
Có thể thấy, ngành chăn nuôi và chế biến thịt gia cầm đang có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như C.P, Vissan, Japfa, Emivest Feedmill và Hùng Nhơn… Các đơn vị này đều áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Dự báo, cùng với sự tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, cạnh tranh trong ngành này theo đó cũng sẽ trở nên quyết liệt hơn. Mặt khác, theo bà Hà, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định tự do thương mại đi kèm với việc xóa bỏ các rào cản bảo hộ, tạo điều kiện cho thịt gia cầm ngoại với mức giá thấp hơn 15-20% thâm nhập mạnh vào thị trường tiêu thụ nội địa. Năm 2015, gà Mỹ từng có lúc xuống gần 1 USD/kg, khoảng 20.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp phá sản, phải dẹp bỏ trang trại.
Vì vậy, SanHaFoods đã tập trung tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp thông qua việc đầu tư vào các giống gà truyền thống và đặc sản của từng vùng như gà ta Gò Công, gà thảo mộc, gà Hương Thảo, vịt trời Tây Ninh, gà tre Tiền Giang. Đồng thời, Công ty tham gia các phiên chợ nông sản an toàn và các chương trình “Bình ổn thị trường” để giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng. Việc đáp ứng tốt các yêu cầu và chứng nhận về an toàn thực phẩm cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại.
Hiện nay, sản phẩm của SanHaFoods đã được nhận các chứng nhận về thịt gà an toàn VietGAP Nhãn Xanh và chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM. SanHaFoods cũng là một trong số ít doanh nghiệp đầu tư đội xe phân phối với trang thiết bị chuyên dụng như kho lạnh và hệ thống bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. SanHaFoods cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp trong cả nước thông qua chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, các đơn vị công ty, trường học và hệ thống 12 siêu thị…
Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phân phối của SanHaFoods có thể kể đến việc mở cửa hàng bán lẻ tại nông thôn và ngoại ô thành phố nhằm khai thác thị trường hơn 60 triệu dân. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng còn khiêm tốn và khó có thể cạnh tranh được với các ông lớn như Vissan với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc. Bên cạnh việc đa dạng sản phẩm chế biến cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, SanHaFoods cũng xác định khách hàng và đối tác phân phối là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của Công ty.
Những mô hình như SanHafoods đang phát triển có thể góp phần khắc phục những hạn chế của ngành chăn nuôi, là hướng đột phá trong việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành.
Theo Phúc Thịnh – Nhịp cầu đầu tư