Go to Top

Hãi hùng clip hàng tấn rau được bày bán trong siêu thị bị “tắm” tại hồ nước đen kịt

(SKCĐ)- Những mớ rau, hành của bà con xã Yên Phú và Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thường được rửa bằng nước thải trong hồ đen kịt trước khi chuyển chợ bán buôn hay xếp những vào kệ hàng siêu thị.

Thực trạng “tắm” rau, hành tại hai xã thuộc tỉnh Hưng Yên

Theo điều tra của Đài truyền hình Việt Nam, tại hai xã Yên Phú và Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là nơi cung cấp rau xanh cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận bao lâu nay. Tuy nhiên mỗi ngày, tại hồ nước trung tâm thôn Bình Phú, xã Yên Phú lại có đến hàng tấn hành tươi được người dân làm sạch bằng thứ nước thải đen kịt, đầy rác và các chất thải khác như chai lọ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

rung-minh-voi-canh-rau-hanh-duoc-tam-trang-bang-nuoc-thai-den-kit
Cách làm sạch rau của người dân xã Yên Phú. Ảnh: Mạnh Thắng.

Thậm chí, tất cả nguồn rau xanh được rửa tại dòng sông đen kịt ấy lại được chính bà con nơi đây sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày cũng như là mang ra ngoài chợ để bán hoặc đưa vào siêu thị tại thị trường Hà Nội.

Trong khi đó, tại dòng sông Nguyễn Văn Tiếp – nối huyện Mỹ Lộc và Vụ Bản, Nam Định – dòng nước chứa vô số chất độc hại tại đây cũng được dùng để tưới rau và hoa màu cho cả huyện Vụ Bản.

Thực tế các chất bẩn, chất độc hại ngấm vào rau như thế nào và những nguy cơ bệnh tật gây ra đối với sức khỏe con người là điều mà người tiêu thụ luôn lo lắng, e ngại trước và sau khi sử dụng.

Điều này cần sự kiểm nghiệm của các nhà khoa học như là bác sĩ, chuyên gia. Theo ý kiến của đại diện Viện nghiên cứu rau quả – nơi mỗi ngày tiếp nhận và phát hiện ra hàng chục các mẫu rau quả cho biết, dư lượng chất độc ở trên rau luôn vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần và thậm chí là hàng chục lần cho phép. Theo kết quả, đa phần là kim loại nặng cũng như các chất độc hại do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

rung-minh-voi-canh-rau-hanh-duoc-tam-trang-bang-nuoc-thai-den-kit (2)
Người ta quây lưới và tận dụng từng mét mặt hồ để làm công việc gọi là rửa rau. Ảnh: Mạnh Thắng.

Nhận định của chuyên gia, bác sĩ

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, bộ môn Kiểm nghiệm Chất lượng rau quả thuộc Viện nghiên cứu rau quả cho biết: “Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế quan tâm tới 4 nhóm chỉ tiêu độc hại trên các loại rau gồm nitrat, các vi sinh vật gây hại, các kim loại nặng và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. trên rau. Nước ô nhiễm dùng để rửa hoặc tưới, nhất là tưới cho các loại rau ăn sống sẽ dẫn đến hàm lượng vi sinh vật trong rau rất là cao”.

Cũng theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Hàng ngày, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 10-20 bệnh nhân ngộ độc, trong đó ngộ độc thực phẩm và những gì liên quan đến hóa chất bảo vệ thực phẩm như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột… thì chiếm hơn 1/3, tức là vào khoảng 4-8 bệnh nhân ngộ độc”

rung-minh-voi-canh-rau-hanh-duoc-tam-trang-bang-nuoc-thai-den-kit (1)
Nơi người dân rửa rau đem bán hàng ngày ẩn chứa đủ thứ mầm bệnh và các chất độc hại. Ảnh: Mạnh Thắng

Thêm các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Mới đây ngành chức năng Đà Nẵng phát hiện tới 3/9 mẫu măng bán ra thị trường bị nhuộm màu hóa chất công nghiệp và cái kết quả phân tích của Trung tâm dịch vụ phân tích thị nghiệm TP HCM khẳng định 7 mẫu măng tươi này đều tồn dư chất Auramine O (còn gọi là chất vàng ô) – 1 hóa chất có khả năng gây ung thư rất cao và trong những lần kiểm tra gần đây thì tình trạng nhuộm măng bằng hóa chất không chỉ dừng lại ở Đà Nẵng. 

Tại cơ sở chế biến măng tươi Sơn Hạnh thuộc TP Vinh (Nghệ An), lực lượng chức năng đã phát hiện ra 14 tấn măng chưa qua sơ chế bốc mùi hôi thối do đã được để được 6 tháng đến 1 năm trước. Ngoài ra còn có khoảng 500 kg măng đã ngâm hóa chất chuẩn bị được tiêu thụ.

Ngay tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 bao chất bột màu vàng nghi là chất vàng ô và 1 thùng đựng chất bột màu trắng của Trung Quốc dùng để tẩy măng tươi từ màu đen sang màu trắng. 

Qua đó, người dân càng thêm hoang mang lo lắng về thực trạng rau bẩn, nhiễm hóa chất độc hại có ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người, thậm chí còn đáng lo ngại  hơn khi không chỉ một, hai cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn vô số cơ sở, địa phương nào đó mà lực lượng chức năng còn chưa phát hiện ra./

Cận cảnh rau, hành được “tắm” bằng… nước thải đen kịt để vào siêu thị. Nguồn: VTV.vn

Theo VTV