Nhiều bà nội trợ khác cũng rất “mập mờ” trong việc phân biệt thuốc với thực phẩm chức năng. Thậm chí có người tiêu dùng bị “thôi miên” bởi những quảng cáo có cánh.
Sau khi đăng tải bài viết “Thực phẩm chức năng Yucca TD ‘mập mờ’ trong quảng cáo lừa người tiêu dùng”. Báo điện tử Người Đưa Tin đã phóng vấn nhanh một số người dân, tuy nhiên rất nhiều người vẫn lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không phải là thuốc và nó không điều trị được bệnh.
Thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Yucca TD của Công ty TNHH Dược phẩm và Thương Mại Thiên Dược không phải là trường hợp duy nhất vi phạm nghiêm trọng việc “thổi phồng” chức năng của sản phẩm, biến thực phẩm chức năng ngang hàng với thuốc chữa bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, về phía Cục đã thanh – kiểm tra nhiều công ty sản xuất hoặc nhập khẩu thực phẩm chức năng trong năm 2015 và có rất nhiều công ty không đủ điều kiện kinh doanh, Cục đã tước giấy phép kinh doanh mặt hàng này.
Trước sự thổi phồng quá mức của một số loại thực phẩm chức năng có trên thị trường, báo điện tử Người đưa tin có một cuộc phỏng vấn nhanh với một số người tiêu dùng thường xuyên sử dụng sản phẩm này. Đa phần khách hàng “ruột” của thực phẩm chức năng là phụ nữ và những người trung, cao niên.
Bà Nguyễn Thị Thanh (Khâm Thiên, Hà Nội) thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chức năng, đặc biệt là những loại ngăn ngừa lão hóa với thực phẩm bổ sung các chất làm mềm da. Bà Thanh hiện nay vẫn lầm tưởng: “Thực phẩm chức năng với thuốc là 1”.
“Tôi sử dụng một số loại được bạn bè giới thiệu và thấy chúng vẫn có những tác dụng nhất định nên cứ tưởng nó là thuốc đó thôi. Ngay cả khi đi mua, các cô bán hàng vẫn nói với tôi rằng sử dụng nó chẳng khác gì thuốc cả”, bà Thanh chia sẻ.
Đồng quan điểm với bà Thanh, nhiều bà nội trợ khác cũng rất “mập mờ” trong việc phân biệt thuốc với thực phẩm chức năng. Thậm chí có người tiêu dùng bị “thôi miên” bởi những lời quảng cáo có cánh của thực phẩm chức năng.
Ông Đỗ Minh Long (54 tuổi, Kim Liên) đang sử dụng một loại thực phẩm chức năng có tên là X. hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. Ông Long coi nó như một vị thần dược.
Ông bày tỏ: “Thú thật, từ đầu tôi sử dụng cũng thấy nó có tác dụng ít nhiều. Nhưng được một thời gian thì không thấy có tác dụng nhiều nên tôi bỏ”.
Nên nhớ, thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Nếu coi nó là “thần dược” uống đâu bổ đấy thì có lẽ chỉ có trong… quảng cáo. Trong khi đó, một lãnh đạo của cục An toàn Thực phẩm đã từng quan ngại rằng, thị trường này đang bị lạm dụng bởi các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và hàng giả, hàng nhái đang được quảng cáo như thật.
Thậm chí, trên truyền hình, báo chí cũng tiếp tay cho sự “loạn” công dụng của thực phẩm chức năng. Theo Ts. Nguyễn Thanh Phong: “Cục An toàn Thực phẩm sẽ phối hợp với bộ Thông tin – Truyền thông để kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai công dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Ngay cả trên báo chí, các sản phẩm chức năng vẫn được ‘thổi phổng’ công dụng lên”, TS Phong cho biết.
Vì vậy, thật khó trách cho người tiêu dùng hiện nay, khi mà họ vẫn cứ lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.
Tiểu Lâm / Theo Người Đưa Tin