Go to Top

Làm giàu từ dầu thải

Hằng năm, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu gần nửa triệu tấn dầu, cũng ngần ấy số lượng này sau khi sử dụng được thải ngược ra thị trường mà không có bất kỳ biện pháp xử lý triệt để nào. Điều này đang tạo gánh nặng cho nỗ lực bảo vệ môi trường nhưng lại là cơ hội kinh doanh của ông Nguyễn Hữu Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VN Oil và là một Việt kiều Mỹ có thâm niên hơn 35 năm làm việc trong ngành dầu khí.

Theo tính toán của ông Văn, Việt Nam nhập khẩu khoảng 400 triệu tấn dầu gốc mỗi năm, ước tính tổng giá trị vào khoảng 500 triệu USD. Sau khi pha cùng các loại phụ gia đặc trưng để hình thành dầu nhờn, số dầu này sẽ được đưa vào phục vụ cho các phương tiện vận chuyển cả cá nhân lẫn công cộng, máy phát điện ở các công trình… Nhưng sau khi sử dụng, số lượng dầu này lại được thải thẳng ra thị trường mà không có một biện pháp xử lý cụ thể nào.

Mặc dù tác động xấu đến môi trường, nhưng lượng dầu nhớt thải này được xem là mỏ vàng của Việt Nam. Theo ông Văn, có hai hình thức để sản xuất dầu gốc hiện nay. Cách thứ nhất là khoan trực tiếp dưới lòng đất để lấy dầu thô về lọc thành dầu gốc, phương pháp này có thể tiêu tốn hàng tỉ USD đầu tư nhà máy lọc dầu vì tách tạp chất trong dầu thô cực kỳ phức tạp.

Cách thứ hai là tận dụng nguồn dầu nhớt đã qua sử dụng, sử dụng công nghệ cao để tách hết các tạp chất nguy hại rồi sử dụng công nghệ cao hydrotreating để sản xuất thành dầu gốc. Cách này ít tốn kém hơn, chi phí đầu tư nhà máy chỉ bằng 1/10 so với cách đầu tiên, khoảng 110 triệu USD. “Việt Nam có khoảng 500 triệu lít dầu nhờn thải cần xử lý mỗi năm”, ông Văn cho biết.

Thực tế, từ lâu đã có nhiều nhóm đầu cơ chuyên thu gom dầu nhớt đã qua sử dụng trên thị trường. Sau khi thu gom, họ chưng cất sơ sài để giảm lượng tạp chất, rồi pha hóa chất đặc trưng để giả dầu nhớt chưa qua sử dụng và đưa ngược trở lại thị trường tiêu thụ.

Hành vi này, theo ông Văn là rất nguy hại cho môi trường vì không thông qua bất cứ nhà máy xử lý nào, lượng chất thải rắn, khí nguy hại cứ xả thẳng vào môi trường, nhưng có nhiều người làm vì chạy theo lợi nhuận cao, ít nhất là 50%. Chính vì thế, năm 2010, ông Văn bắt tay thực hiện dự án VN Oil, nhà máy xử lý dầu nhờn thải và sản xuất thành dầu gốc chuẩn API II theo công nghệ Hydrotreating (CEP) của Công ty Chemical Engineering Partner (Mỹ). Đây là nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á và độc quyền ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. VN Oil đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: bảo vệ môi trường qua việc xử lý dầu nhớt thải và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất dầu gốc API II, tiết kiệm một khoản không nhỏ ngoại tệ cho Việt Nam để nhập dầu gốc hằng năm.

Năm 2014, dự án này được Chính phủ đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg. Năm 2015, VN Oil được Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, đồng thời được Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay vốn ưu đãi. Theo đó, VDB sẽ cho vay 85% trên tổng mức đầu tư dự án nhà máy VN Oil, 15% còn lại là phần của chủ sở hữu VN Oil.

Ông Văn cũng mất hơn 3 năm đào tạo hơn 20 cán bộ của VN Oil vận hành nhà máy. Nhà máy ở Khu Công nghiệp Hiệp Phước được khởi công vào đầu năm 2017 và hoàn thành vào giữa năm 2018, tổng diện tích 5ha, có công suất xử lý 62.000 tấn dầu thải/năm và sản xuất 45.000 tấn dầu gốc API II/năm. Với công suất này, VN Oil sẽ đưa ra thị trường khoảng 15% tổng nhu cầu trong nước, tỉ suất lợi nhuận đem lại khoảng 15-20% trên doanh thu.

 

Ông Nguyễn Hữu Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VN Oil. Ảnh: Sơn Phạm

Ông Nguyễn Hữu Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VN Oil.       Ảnh: Sơn Phạm

Đầu ra là các công ty đang cung cấp dầu nhờn cho thị trường như Shell, Total, Caltex, Hóa dầu Mekong, MIPEC… Hiện nay, giá dầu gốc dao động từ 650-700 USD/tấn nhưng khi về Việt Nam cộng thêm chi phí vận chuyển, môi giới, theo ông Văn, có giá ít nhất 1.000 USD/tấn. Giá dầu gốc của VN Oil thấp hơn từ 5-7% giá dầu nhập khẩu. Nguồn thu thứ hai đến từ Quyết định 16/2015/QĐ-TT về quy định và xử lý sản phẩm thải bỏ, theo đó các công ty cung cấp dầu gốc vào thị trường Việt Nam có trách nhiệm phải xử lý sản phẩm đã qua sử dụng. Tính mức giá trung bình 50 cent/tấn để xử lý, doanh thu VN Oil ở mảng này đủ trả chi phí vận hành nhà máy. “Giá dầu gốc thế giới có lên hay xuống đều không ảnh hưởng đến chúng tôi”, ông Văn nói.

Mái tóc muối tiêu, dáng đi nhanh nhẹn và giọng nói trầm ấm, ông Văn có bề ngoài trẻ hơn với độ tuổi ngoại ngũ tuần. Sinh ra ở Hà Nội, sống và làm việc ở Sài Gòn, năm 1969, ông sang Tây Đức học ngành kỹ sư cơ khí, 10 năm sau qua Mỹ lập nghiệp và làm việc trong ngành dầu khí.

Ông Văn từng là kỹ sư thiết kế hệ thống khoan dầu của Smith International, 1 trong 2 công ty chế tạo giàn khoan dầu lớn nhất trên thế giới. Thời điểm khủng hoảng toàn cầu, Công ty từng sa thải gần 4.000 nhân viên, nhưng ông Văn trong nhóm 400 người được giữ lại và là người Việt Nam hiếm hoi trụ lại sau đợt đại khủng hoảng của Smith International vào thập niên 1983.

Bản thân ông cũng có một công ty tư vấn tài chính, ý tưởng được thành lập sau một lần vợ chồng ông đi mua nhà. “Nhận thấy những người trong ngành tư vấn tài chính kiếm được một khoản khá từ tư vấn thủ tục, giấy tờ vay ngân hàng mua nhà đã khiến tôi tò mò về lĩnh vực tài chính. Thế là tôi xin vào làm việc bán thời gian ở các công ty chuyên về tài chính để tìm hiểu rồi sau đó mở công ty riêng”, ông Văn kể lại.

Bắt đầu làm VN Oil từ năm 2010 nhưng ông Văn có thâm niên hơn 20 năm làm việc ở thị trường Việt Nam. Năm 1990 là lần đầu tiên ông trở về Việt Nam sau hơn 21 năm sống ở xứ người và bắt đầu gắn bó với quê mẹ từ đó đến nay. Ông thôi việc ở Mỹ và rút khỏi công ty tư vấn tài chính sau 10 năm hoạt động để chuyên tâm hơn cho các hoạt động ở Việt Nam.

Năm 1994, ông tổ chức hội thảo 2 tuần về kỹ thuật khoan dầu trên thế giới cho PetroVietnam. Đây là thời điểm khá khó khăn vì Mỹ vẫn chưa hủy lệnh cấm vận ở Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, ông còn tìm cách đưa mấy đoàn kỹ sư từ Việt Nam sang Mỹ để học hỏi. Trước khi khởi động VN Oil, ông Văn đã làm đại diện cho các công ty lớn trong ngành dầu khí như Smith International, ABB, Invensys, Ingersoll Rand và WorleyParsons tại thị trường Việt Nam.

Ông cũng là đại diện cho WorleyParsons, tư vấn quản lý giám sát cho 2 dự án trị giá 1 tỉ USD vốn đầu tư/dự án (gồm Nhiệt điện Vũng Áng 1, Mông Dương 2) và là 1 trong 3 người đứng ra thành lập Công ty Tư vấn Thiết kế WorleyParsons PetroVietnam.

Khi được hỏi vì sao lại dành quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho Việt Nam, ông Văn cười và giải thích rằng, lần đầu về nước là lúc cuộc sống vợ chồng ở xứ người đã đầy đủ, không bị áp lực về tài chính. Con cái đã thành tài. Nhận thấy đất nước còn nhiều khó khăn, bản thân lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, một trong những ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam trong thời gian đó, thế là ông Văn xách va li về nước tìm cơ hội đóng góp một phần công sức của mình. “Tôi tin đây cũng là nguyện vọng của mọi người Việt Nam xa xứ, dù họ làm bất cứ công việc nào”, ông Văn tâm sự.

Quay lại với câu chuyện của VN Oil, với công suất hiện nay, nhà máy  chỉ mới đáp ứng được 15% nhu cầu của thị trường. Ông Văn cho rằng cần ít nhất 4 nhà máy như VN Oil đi vào hoạt động ở Việt Nam mới đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó, Việt Nam tiết kiệm được ít nhất 500 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu dầu gốc, đồng thời làm chủ nguồn năng lượng rất quan trọng này. Được biết, hợp đồng độc quyền với CEP sẽ kết thúc vào năm 2020, tức là còn 3 năm trong lộ trình đã ký kết, khi đó CEP sẽ có quyền ký kết với nhiều doanh nghiệp trong nước hoặc kinh doanh lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không làm ông Văn lo lắng mà ngược lại là điều tốt vì sẽ giúp giảm gánh nặng của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường của Việt Nam.

“Thậm chí, nếu Chính phủ có thể cho người thay thế làm dự án này, chỉ cần trả phần tôi đã góp vốn vào. Mục tiêu giúp Việt Nam đi nhanh hơn trong nỗ lực hiện đại hóa, đất nước và người dân giàu mạnh hơn mới là điều tôi tâm niệm cho những cố gắng mỗi ngày của mình”, ông Văn nói.

Theo Đông Sang – Nhịp cầu đầu tư