(SKCĐ) – Đây đều là những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị cao, tuy nhiên nếu không được chế biến đúng cách, chúng rất dễ nhiễm ký sinh trùng và gây bệnh nguy hiểm cho gia đình bạn.
Ếch, nhái, rắn
Ếch, nhái, rắn là những loài động vật sống ở môi trường ẩm ướt như đầm, lầy, ao ruộng nên rất dễ bị các ký sinh trùng cư trú. Trong số ký sinh trùng đó, nguy hiểm nhất chính là sán nhái Sparganum – có dạng hình sâu, màu trắng ngà, mờ đục, dài từ 3 – 50cm, rộng vài mm.
Thịt ếch, thịt nhái và thịt rắn khi chưa được nấu chín sẽ khiến người ăn có nguy cơ nhiễm phải bệnh sán nhái sparganosis.
Trường hợp của cậu bé 10 tuổi bị một con sán 10cm làm tổ trong não tại Trung Quốc vào năm 2014 chính là sự cảnh báo cho thói quen “ăn không chín, uống không sôi” của nhiều gia đình. Cậu bé này đã ăn phải thịt ếch chưa chín kỹ dẫn đến nhiễm bệnh, ấu trùng theo đường máu đi lên não, gây động kinh.
Không chỉ ở thói quen ăn uống, một số vùng còn có tập tục dùng thịt ếch, nhái sống đắp vào da hoặc mắt để chữa bệnh viêm tấy tại chỗ, khiến ấu trùng sán sẽ chui vào da, mắt và gây nên khối u ở đó.
Ấu trùng sán sparganosis khi đi vào cơ thể người có thể ký sinh ở mắt, ở da, thậm chí ở vùng màng ruột, thận, bàng quang, phổi, xoang ngực, tim và mô não. Ấu trùng khi xâm nhập sâu vào các bộ phận bên trong cơ thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu để đảm bảo an toàn khi ăn thịt ếch, nhái, rắn là phải nấu chín kĩ. Lưu ý, ấu trùng sán sparganosis có thể tồn tại trong môi trường từ -10 độ C đến 56 độ C. Dưới -10 độ C, sán vẫn có thể sống trong 2 giờ sau mới chết, còn trên 56 độ C sán vẫn tồn tại trong 5 phút. Khi xâm nhập vào cơ thể người, sán sparganosis có thể tồn tạo lâu nhất tới 30 năm.
Lươn
Lươn là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, nếu ăn lươn chưa được nấu chín sẽ khiến bạn có thể bị nhiễm trùng gnathostoma. Theo một kết quả của cuộc khảo sát ở Trung Quốc, lươn nuôi và lươn tự nhiên đều có tỉ lệ nhiễm ấu trùng gnathostoma spingerum từ 15-40%. Ấu trùng này tồn tại trong thịt lươn sống và chịu được nhiệt độ cao.
Khi lươn bị nhiễm ký sinh trùng và không được nấu chín, ký sinh trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống và đi vào ruột.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên nấu chín hoàn toàn lươn với nhiệt độ 70 độ C trong thời gian 4-5 phút để kí sinh trùng bị tiêu diệt.
Cá
Các loài cá như cá hồi, cá ngừ, cá mú, cá tuyết, bạch tuộc, cá chình, cá mú, cá trích,,…có nguy cơ nhiễm trùng anisakis rất cao.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, loại ký sinh trùng này sẽ chui qua thành dạ dày hoặc ruột non, gan, đi vào mắt, di chuyển dưới da và thậm chí lên não, tấn công hệ thần kinh trung ương. Đi đến đây, giun anisakis gây sưng, viêm đến đó. Người ăn phải cá nhiễm Anisakis sẽ cảm thấy ngứa ở cổ họng.
Nếu giun đi vào mắt có thể khiến thị lực của bạn bị suy giảm, hoặc dẫn đến mù lòa. Nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy, làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể tử vong.
Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyên nên làm đông lạnh cá ở độ lạnh -20 độ C trong 7 ngày trước khi tiêu thụ. Trong khi tiêu chuẩn của Châu Âu là nên đông lạnh -20 độ C trong 24 giờ. Một số nước quy định phải làm đông lạnh cá dành cho ăn sống ở nhiệt độ -20 độ C trong một tuần hay ở nhiệt độ -35 độ C trong 15 giờ.
Để tránh các trường hợp ngộ độc do nhiễm trùng Anisakis, tốt nhất bạn chỉ nên ăn cá đã nấu chín.
Hoàng Yến (t/h)