Thời gian qua, nhiều người thu nhập thấp đã có được một chỗ an cư nhờ gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Theo nhiều ý kiến, nếu Nhà nước tiếp tục cho xây dựng thêm dự án nhà ở xã hội thì cần hướng đến việc xây dựng loại hình nhà ở này để cho người thu nhập thấp thuê hơn là hỗ trợ cho mua nhà. Như vậy sẽ tránh được việc lợi dụng chính sách hỗ trợ và hỗ trợ không đúng đối tượng.
Xoay quanh vấn đề này, theo một số chuyên gia, nếu người dân đã có khả năng mua nhà thì không còn là đối tượng của nhà ở xã hội nữa. Về nguyên tắc, nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp thì nên xây dựng theo hình thức cho thuê và thuê mua thay vì mua. Tuy nhiên, tâm lý của người Việt Nam là thích sở hữu nhà ở cho nên với gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, nếu chỉ có hình thức thuê và thuê mua thôi thì có thể lúc đó dòng vốn sẽ lại ướng sang doanh nghiệp nhiều hơn.
Lợi ích của nhà ở xã hội cho thuê đã thấy rõ nhưng chưa thể triển khai do khó khăn về quỹ đất, chính sách… |
TS Trần Du Lịch cho rằng, những người thu nhập thấp là những đối tượng khó có khả năng trả nợ, do đó cần phải xem xét lại bản chất của cụm từ ‘chính sách xã hội’. Nên chăng hướng tới chính sách khác chứ không nằm trong gói hỗ trợ như gói 30 nghìn tỷ đồng. Tại nhiều nước khác trên thế giới, nhà nước đều có chính sách riêng cho đối tượng này. Thu nhập thấp hẳn thì xây nhà ở xã hội cho thuê với giá căn cứ vào thu nhập gần như Nhà nước tài trợ.
Cũng theo ông Lịch, nếu cho thuê mà tính theo hạch toán đầy đủ thì với một người có thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng sẽ khó có khả năng chi trả. Do đó chúng ta cần hướng vào tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này thuê nhà chứ không nên đặt vấn đề thuê mua hay mua nhà.
Có cùng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng khẳng định: Không thể hỗ trợ cho thành phần thu nhập thấp được, vì những đối tượng này không thể mua được nhà. Theo đó, quan điểm của ông Liêm là Nhà nước nên lo làm sao cho mọi người có chỗ ở, bằng cách cho họ thuê với giá rẻ, chứ không phải là ai cũng có được sở hữu nhà. Thực tế là những đối tượng thu nhập thấp thực sự sẽ không thể có thu nhập ổn định, nên sẽ không có ngân hàng nào dễ dàng cho vay để mua nhà. Nếu Nhà nước dự định đưa ra gói vay nào mới tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng thì cần thiết phải xem xét lại đối tượng vay làm sao cho ‘đúng’ và ‘trúng’.
Thực tế cho thấy, thị trường đã xuất hiện một vài doanh nghiệp đi tiên phong trong việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê như khu nhà ở xã hội cho thuê của Viglacera ở KĐT Đặng Xá (Gia Lâm). Khu nhà ở này bao gồm 270 căn hộ với nhiều loại diện tích khác nhau: 45m2, 47m2, 60m2, 69,5m2 và có đầy đủ các tiện ích như nhà hàng, nhà trẻ, siêu thị, bể bơi, khu vui chơi thể thao, công viên cây xanh, hệ thống trường cấp 1 và cấp 2…
Ngoài Đặng Xá, Hà Nội còn có 2 dự án nhà ở xã hội cho thuê khác là khu nhà ở xã hội cho thuê Việt Hưng (Long Biên) đến nay đã đưa vào sử dụng hơn 500 căn với giá 1,5 triệu đồng/tháng; hay khu nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai) cũng đưa vào sử dụng 86 căn với giá hơn 1 triệu đồng/tháng… Tuy nhiên, những dự án có căn hộ xã hội cho thuê như thế này còn khá khiêm tốn, mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người thu nhập thấp.
Bàn về sự thiếu hụt phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, đại diện các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho biết, quỹ đất chính là vấn đề khó khăn đầu tiên. Đến cả quỹ nhà ở xã hội nói chung hiện nay cũng còn thiếu huống chi nhà ở xã hội dành cho thuê, thuê mua lại. Nếu Hà Nội muốn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thì trước hết phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất. Nếu dự án có vị trí quá xa trung tâm cũng không thể phát triển loại hình nhà ở này.
Việc phát triển sản phẩm nhà ở cho thuê là phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay. Bởi hiện tại, cho dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu mà không thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Ngay cả khi các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản ra sức ưu đãi về giá cả thì người dân cũng còn nhiều băn khoăn trong việc sở hữu một căn hộ. Điều này càng cho thấy việc xây dựng những căn hộ cho thuê là phương án tối ưu, vừa giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tồn kho bất động sản, vừa có thể giúp người dân có nhà ở giá rẻ trong thời gian dài, từ đó giúp giảm gánh nặng cuộc sống…
Từ trước tới nay, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê đã nhiều lần được đề cập đến nhưng dường như vẫn chưa đủ động lực để triển khai, nhân rộng. Do đó, để phát triển tốt loại hình nhà ở này, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có thêm hành lang pháp lý rõ ràng, còn phía doanh nghiệp thì phải có thực lực khi thực hiện các dự án này…